Vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc qua bài thơ Tây Tiến.

Chốn riêng an nhiên trên núi lớn cảm hứng từ văn chương đầu tiên tại Việt Nam.
Đây là bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Quốc phòng Quân đội nhân dân Việt Nam viết ngày 1-2-1947 gửi các chiến sĩ bộ đội Tây Tiến:
“Hôm nay các đồng chí lên đường lãnh nhiệm vụ về hướng Tây, theo gót một số đơn vị đã sớm tiến trên con đường 6 lên Mộc Châu – Sơn La, Điện Biên Phủ và Sầm Nưa hay miền lân cận Xiêng Khoảng, Sê Pôn…
Mong các đồng chí xác định và vạch rõ được nhiệm vụ nặng nề, thiêng liêng mà Nhà nước đã giao phó.
Tôi lại kêu gọi các đồng chí chuẩn bị tinh thần đầy đủ để ứng phó với tất cả những khó khăn, hiểm nghèo đang đợi chờ các đồng chí ở nơi chiến địa. Miền Việt Tây đối với nước ta có vị trí chiến lược rất quan trọng.
Trên con đường về miền Tây, các đồng chí phải lặn lội nơi rừng xanh, suối bạc ở những địa phương hàng nửa ngày đường không thấy bóng người, thủy thổ không quen thuộc, vật chất thiếu thốn, ngôn ngữ bất đồng, nước độc ma thiêng.
Chỉ một việc cất chân lên đường về hướng Tây là đủ cái chí hy sinh, cái lòng kiên nghị của các đồng chí. Các đồng chí biết rằng trên mặt trận này, bộ đội sẽ phải đương đầu với nhiều hiểm nghèo, khổ sở… nên tôi có mấy lời căn dặn, các đồng chí ghi nhớ cho…
Nếu trong cuộc kháng Nhật, chúng ta đã thành công với khu giải phóng Việt Bắc thì trong cuộc kháng Pháp, chúng ta phải thành công với công cuộc Tây Tiến”.
Lên Mộc Châu đọc được đoạn trên mới thấy sự khổ cực của chiến sĩ và rất hào hùng giữa núi rừng nước độc ma thiêng, sông Mã gầm thét. Tình cờ và thật bất ngờ về miền Tây Bắc, gặp lại cảnh thơ, nhớ lại đề thi đại học năm xưa: “Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên trong thơ Tây Tiến Quang Dũng” dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Lần này tôi phát triển du lịch văn chương thành Secret Hideaways chốn riêng an nhiên cảm hứng từ thơ Tây Tiến trên núi lớn Pù Luông bên bờ Sông Mã.
Chưa bài thơi kháng chiến nào qua mặt được Tây Tiến từ 1948 đến giờ, cùng nhau phân tích vẻ đẹp thiên nhiên Tây Tiến qua bài thơ cùng tên của Quang Dũng để thấy hình tượng núi rừng Tây bắc hoang sơ mà hùng vĩ diễm lệ. Bên cạnh đó còn là nỗi nhớ thương da diết cháy bỏng về đồng đội Tây Tiến hào hoa kiêu dũng trong tâm tưởng của nhà thơ.
Trong những sáng tác văn học, thiên nhiên vốn là một trong những yếu tố quan trọng và là đối tượng để các nhà văn nhà thơ có thể bộc lộ được tài năng và tình cảm của mình. Đứng trước thiên nhiên, những tâm hồn nghệ sĩ hẳn sẽ có những rung cảm để từ đó những dòng họ viết nên không chỉ nhằm mục đích khắc họa miêu tả vẻ đẹp đặc trưng của thiên nhiên đất trời mà còn phần nào gửi gắm tình cảm của mình đối với những vùng đất luôn hiện hữu trong tâm tưởng. Đối với bài thơ “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng, người đọc cũng sẽ thấy hiển hiện trong đó những vẻ đẹp đầy ấn tượng của thiên nhiên vùng Tây Bắc.
Nhà thơ Quang Dũng sinh năm 1922 và mất năm 1988, quê ở Đan Phượng thuộc tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Ngay từ khi còn là một chàng trai Hà thành, Quang Dũng theo đuổi lí tưởng cách mạng. Chính vì vậy, ông đã xung phong vào chiến trường trong tâm thế của một người chiến sĩ sẵn sàng đối mặt với những thử thách, gian nguy.
Chính trong quá trình làm nhiệm vụ của một anh bộ đội, Quang Dũng đã có những trải nghiệm quý báu để có được những năng khiếu cầm kỳ thi hoạ, chính vì vậy trong thơ ông có thi trung hữu nhạc và thi trung hữu hoạ.
Từ một người trai trẻ say sưa với bút nghiên, sách vở, Quang Dũng bước vào hàng ngũ của người chiến sĩ với tinh thần hăm hở và đồng thời cũng trở thành một nhà thơ rất đỗi hào hoa, lịch thiệp.
Tinh thần phơi phới và những trăn trở của mình trong những năm tháng dài chiến đấu, nhà thơ – chiến sĩ ấy sẽ gửi hết vào trong một số tác phẩm nổi tiếng của ông như: “Rừng biển quê hương” (1957), “Đường lên Châu Thuận” (1964), “Rừng về xuôi” (1968), “Mây đầu ô” (1986).
Về sau, những sáng tác mà Quang Dũng đóng góp vào sự nghiệp văn học nước nhà đã giúp ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Hoàn cảnh ra đời của bài thơ Tây Tiến
Bài thơ “ Nhớ Tây Tiến” sau này tác giả đổi thành “Tây Tiến” ra đời tại Phù Lưu Tranh, một ngôi làng nhỏ bên bờ Sông Đáy hiền hoà, bài thơ nói lên nỗi nhớ, những kỉ niệm rất sâu đậm của Quang Dũng với đoàn binh có tên gọi Tây Tiến. Đoàn binh của Quang Dũng được thành lập vào năm 1947 và được giao nhiệm vụ cùng với bộ đội nước bạn Lào bảo vệ biên giới Việt Lào trong thời điểm thực dân Pháp mở đợt tấn công mạnh mẽ ở vùng Tây Bắc Bộ Việt Nam và vùng Thượng Lào.
Đồng đội của Quang Dũng phần lớn cũng là những học sinh, sinh viên Hà Nội như ông. Do vậy, trong họ luôn có sự sôi nổi, tinh thần nhiệt thành của sức trẻ. Khi trở thành những anh bộ đội, và nhất là trong hoàn cảnh phải đóng quân ở một nơi có địa hình vô cùng hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt và điều kiện sinh hoạt thiếu thốn ở Tây Bắc, những người trai ấy vẫn không tỏ ra nản lòng, ái ngại mà ngược lại vẫn luôn yêu đời, lạc quan trong cuộc sống và anh dũng, kiên cường trong chiến đấu.
Đồng hành cùng những người đồng chí trong một khoảng thời gian và cùng nhau hành quân trên địa bàn rộng lớn của các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Thanh Hóa và cả Sầm Nưa (Lào), Quang Dũng đã có rất nhiều những kỉ niệm bên đồng đội của mình.
Chính những kỉ niệm đó là nguồn cảm hứng dạt dào để nhà thơ có thể viết nên những dòng thơ để bày tỏ nỗi nhớ về đơn vị cũ khi ông đã chuyển công tác. Bài thơ “Tây Tiến” ban đầu có tên là “Nhớ Tây Tiến” và được in trong tập “Mây đầu ô” (năm 1986).
Vẻ đẹp thiên nhiên Tây Tiến trong bài thơ của Quang Dũng
Khi cảm nhận về tác phẩm, ta thấy vẻ đẹp thiên nhiên Tây Tiến hiện lên với hình ảnh với những núi rừng hùng vĩ và hoang sơ, thơ mộng và trữ tình…
Thiên nhiên núi rừng hoang sơ và hùng vĩ
Bằng những cái tên cụ thể của từng địa danh, Quang Dũng không chỉ gợi nhắc những nơi đã để lại trong ông nhiều ấn tượng sâu sắc mà trước hết có lẽ là những ấn tượng về một vùng thiên nhiên núi rừng hoang sơ, hùng vĩ. Vẻ đẹp thiên nhiên Tây Tiến ấy đã bao lần làm xao xuyến tâm hồn những người chiến sĩ trên bước đường hành quân:
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
Làn sương dày đặc, màn đêm hơi lạnh giá nơi núi rừng Sài Khao, Mường Lát đã gây ra rất nhiều những trở ngại, khó khăn đối với những người lính. Trên chặng đường hành quân vạn lí, đoàn quân đã “mỏi” hay sự bất lợi của điều kiện thiên nhiên càng làm cho sự mỏi mệt ấy thêm trĩu nặng. Tuy nhiên, sương phủ, đêm lạnh chưa phải là tất cả những khó khăn mà người lính Tây Tiến phải vượt qua mà họ còn phải đối diện với địa hình trắc trở, gập ghềnh của núi rừng Tây Bắc:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.”
Những câu thơ đã tạo nên vẻ trùng điệp đầy hiểm trở của núi rừng. Bên trên làn sương giăng kín là sự tiếp nối của “dốc thăm thẳm”, bủa vây người lính không chỉ là màn đêm đầy hơi lạnh mà còn là sự hiểm nguy của vực sâu. Trải qua hành trình “ngàn thước lên cao”, tưởng chừng đã có lúc mũi súng của người lính như chạm tới cả độ cao của vùng núi non bốn mùa mây phủ qua hình ảnh “súng ngửi trời” rất đặc sắc của nhà thơ.
Lên đến đỉnh cao vời vợi thì cũng là lúc bên dưới chân họ hiện ra sự thăm thẳm của vực sâu. Khi phân tích vẻ đẹp thiên nhiên Tây Tiến, ta thấy câu thơ “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” với nhịp thơ 4/3 đã tạo nên cảm giác như con đường hành quân của người lính bị ngắt đôi giữa một bên là núi rừng ngút ngàn và một bên là vực sâu hun hút. Chính điều đó càng diễn tả sự chênh vênh, cheo leo của nơi có địa hình không chỉ vừa “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, mà còn “hun hút” và “lên” – “xuống” gập ghềnh.
Nhưng thách thức với người lính cũng không dừng lại ở đây, phía trước họ còn có cả sự rợn ngợp của núi rừng và hiểm nguy của thú dữ:
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”.
Thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ đã khiến cho người lính phải đương đầu với biết bao thách thức, gian nguy nhưng với họ sự hoang sơ, hùng vĩ thậm chí là dữ dội, rợn ngợp ấy của thiên nhiên đất trời đôi khi lại tạo cho cơ hội rèn luyện ý chí và lòng quyết tâm của bản thân.
Vẻ đẹp thiên nhiên Tây Tiến thơ mộng và trữ tình
Tuy hùng vĩ, dữ dội là những đặc tính đặc trưng của miền Tây Bắc nhưng đã có lúc vùng đất này lại xuất hiện trên dòng viết của Quang Dũng với những nét vẽ hết sức thơ mộng, trữ tình:
“Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Khi phân tích vẻ đẹp thiên nhiên Tây Tiến, ta thấy cảnh mưa xa xa nơi Pha Luông mà người lính có dịp dừng chân lại phóng tầm mắt để cảm nhận lại là giây phút họ có thể lắng lòng mình lại sau những mỏi mệt của đèo cao, thác dữ. Chính lúc này, họ có thể nhẹ nhõm đắm mình để tìm về cảm giác thân thương nhờ những mái nhà xa xa, biết đâu những lúc như vậy, hình ảnh quê nhà lại tìm về để rồi họ có thêm động lực để tiếp bước hành quân.
Cảm giác về vùng đất Tây Bắc thơ mộng còn gợi nên qua hình ảnh:“Mường Lát hoa về trong đêm hơi”. Đóa hoa trong đêm hơi có thể gợi rất nhiều những liên tưởng. Đó có thể là đóa hoa thật đang hé mở trong đêm sương, có khi là hoa đuốc soi sáng con đường hành quân nhưng cũng không ngoại trừ trường hợp là hình ảnh của nàng thơ nào đó trong tâm trí người lính trẻ. Dù thể hiện ý nghĩa nào thì có lẽ hình ảnh tươi đẹp ấy cũng là một cách xoa dịu đi những mỏi mệt, vất vả, thể hiện chút bay bổng, lãng mạn của những người chiến sĩ trên đường hành quân.
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Chỉ với bốn câu thơ nhưng khung cảnh của một miền sông nước huyền ảo, nhẹ nhàng đã làm dâng lên trong lòng người đọc cảm giác mênh mang, xao xuyến… Không gian hiện hữu trong sự hài hòa của cảnh vật và con người. Nếu như con người xuất hiện với sự duyên dáng trên chiếc thuyền “độc mộc” xinh xinh là điểm nhấn của bức tranh thì ngọn lau trên bãi bờ và cánh hoa “đong đưa” dưới dòng nước lại điểm tô thêm cho bức tranh sự sinh động bởi những sự vật ấy như cũng có linh hồn riêng của nó. Cái hồn của cảnh ấy và người ấy chính là một trong những yếu tố quan trọng góp vào bức tranh thiên nhiên Tây Bắc nét vẽ trữ tình, thơ mộng.
Hành trình của người lính với vẻ đẹp thiên nhiên Tây Tiến
Vẻ đẹp thiên nhiên Tây Tiến cá tính là thế nhưng luôn đồng hành cũng mọi nẻo đường hành quân của họ. Ngay đến khi họ trở về với đất mẹ yêu thương, thiên nhiên nơi đây cũng tiễn các anh đi bằng tiếng gầm vang vọng cả đất trời:
“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Khúc độc hành vang lên như một lời chào tưởng niệm. Từng ngọn núi, con dốc của vùng đất này dường như đã in dấu lại bước chân người lính. Có thể khoảng thời gian họ sống và công tác tại nơi đây chưa phải là dài nhưng cũng đủ để gọi là kỉ niệm. Đó là kỉ niệm về một xứ sở có núi rừng hùng vĩ, có mây sương giăng kín, có thú dữ và cả thác cao. Và sự hùng vĩ, hoang sơ ấy không chỉ hiện lên trong những hình ảnh của sự vật mà còn thể hiện qua âm thanh vang dội của núi sông hùng thiêng trong giây phút tạ từ người chiến sĩ.
Núi rừng Tây Bắc in hằn bước chân những người lính, ngày ra đi họ đã có những dự cảm về mất mát, hi sinh nhưng có biết đâu mối duyên với vùng đất này giúp họ gắn bó với nó trong phút chia phôi:
“Tây Tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi”
Tây Tiến là nơi những người trai trẻ Hà thành bắt đầu cuộc hành trình chinh phục lí tưởng cao đẹp nhưng đồng thời cũng là nơi họ nằm lại. Câu thơ “hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi” như thể hiện sự gắn bó đến phút cuối như để trọn vẹn nghĩa tình với vùng đất này.
Tuy nhiên việc về với đất không phải là dấu chấm kết thúc cho con đường chiến đấu mà sự hi sinh của người lính ấy sẽ tạo động lực cho những người đồng đội của anh có thể tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ dang dở của cả đoàn binh. Và khi phân tích vẻ đẹp thiên nhiên Tây Tiến, ta thấy có một sự thật là dù cho họ hi sinh nhưng tâm hồn và lí tưởng cao đẹp của họ vẫn còn mãi với núi sông đất trời và trong lòng những người ở lại…
Nhận xét khi phân tích vẻ đẹp thiên nhiên Tây Tiến
Thiên nhiên Tây Tiến trong bài thơ đã được hiện hữu thông qua những từ ngữ đặc tả độc đáo, cách ngắt nhịp đặc sắc và cả những hình ảnh giàu sức gợi. Nhờ việc sử dụng những phương diện nghệ thuật ấy mà Quang Dũng đã giúp người đọc cảm nhận được vẻ đẹp đầy ấn tượng của thiên nhiên Tây Bắc. Đó không chỉ là vẻ đẹp của sự hùng vĩ, hoang sơ, mĩ lệ, trữ tình mà còn là vẻ đẹp mang tính gắn kết giữa cảnh vật và người lính trên bước đường hành quân.
Kết bài: Tóm lại, thông qua việc khắc họa một bức tranh thiên nhiên vừa hùng vĩ, mĩ lệ nhưng lại vô cùng thơ mộng, tác giả đã làm nổi bật lên vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến. Vẻ đẹp của những người chiến sĩ gốc Hà thành ấy là sự kết tinh của ý chí, lòng quyết tâm và cả tinh thần lạc quan, tâm hồn lãng mạn, hào hoa.