Đặc sắc nghệ thuật xòe Thái
Tiếp theo Nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, quan họ Bắc Ninh, ca trù, hát xoan, đờn ca tài tử Nam Bộ, nghệ thuật xòe Thái đã được đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
Sức sống mãnh liệt
Theo các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, xòe Thái là kết quả sáng tạo nghệ thuật xuất phát từ đời sống lao động của các dân tộc miền non ngàn Tây Bắc.
Là một hình thức múa dân gian, xòe Thái ra đời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần rồi lâu dần trở thành phương tiện giao tiếp, kết nối cộng đồng. Sau những ngày lao động mệt nhọc, người dân sáng tạo ra những điệu múa để tìm cảm giác thư thái, hứng khởi.
Qua sự sàng lọc, kết tinh kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo mà điệu xòe được nâng lên thành nghệ thuật, trở thành biểu trưng cho tình đoàn kết, giao lưu, gắn bó các mối quan hệ bản làng và mở rộng phạm vi quan hệ xã hội.
Các dân tộc Mường, Tày… đều có điệu xòe mang nét độc đáo riêng nhưng truyền thống xòe Thái nổi bật hơn cả. Xòe Thái trầm bổng hơn, dựa trên nền nhạc đệm bằng khèn, bè trống mõ với ống nứa, gõ vào nhau tạo ra những âm thanh rộn ràng.
Mái tóc búi cao lộ ngấn cổ trắng ngần, dải khăn đỏ dài quàng vai, uyển chuyển trong áo cóm váy nhung, xà tích bạc buông hờ bên hông, các cô gái Thái nhịp nhàng di chuyển hòa cùng tiếng đàn tính tẩu réo rắt, tiếng chiêng, tiếng trống… Sự mềm mại, tinh tế của nghệ thuật xòe Thái ẩn chứa trong: Xòe vòng, xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe chai.
Xòe Thái đặc sắc chính ở chỗ không gian nhỏ mà khuôn múa lớn, có không gian thu hút tới cả trăm, ngàn người tham gia, gọi là “đại xòe”. Chỉ vài bước đi, cái nắm tay nhịp nhàng, chủ – khách đã quen thân, cảm giác thoải mái, sảng khoái, vui hòa vào đất trời.
Xòe vòng là điệu múa mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến nhất của người Thái. Không phân độ tuổi, giới tính, không hạn chế số người tham gia, có thể xếp thành nhiều vòng tròn tùy theo số lượng.
Nói về tính cộng đồng của xòe, nghệ sỹ dân gian Điêu Thị Xiêng – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ – Yên Bái) nhấn mạnh: “Xòe không chỉ là văn hóa, tập tục mà còn là bản sắc, là lối sống, thói quen và hơn hết là nhu cầu sống của đồng bào Tây Bắc. Với người Thái ở Mường Lò, xòe là món ăn tinh thần không thể thiếu, không bao giờ phụ thuộc vào địa điểm, địa hình, sân khấu”…
Phát triển và thăng hoa
Trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014, nghệ thuật xòe Thái đã là hoạt động không thể thiếu trong phát triển du lịch. Sức sống lâu bền của điệu xòe lan tỏa, được cộng hưởng sẽ tạo nên sức hấp dẫn.
Tài sản phi vật thể này không chỉ tồn tại ở khu vực Tây Bắc mà đã có mặt trong những đêm hội lớn của đất nước. Tại tỉnh Yên Bái hơn 1.100 đội văn nghệ đã được thành lập, trong đó phần lớn là các đội văn nghệ thuộc bản dân tộc Thái, các nghệ sĩ dân gian đang hàng ngày đóng góp tâm huyết, trao truyền tình yêu, họ chính là các hạt nhân nòng cốt giữ gìn, duy trì và phát triển nghệ thuật xòe trong cộng đồng.
Không đứng ngoài cuộc, ngành Giáo dục các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái… đã tích hợp, lồng ghép nhiều hoạt động, tổ chức, xây dựng “trường học thân thiện – học sinh tích cực” để góp phần đưa nghệ thuật xòe Thái ngày càng lan tỏa và thăng hoa.
Từ năm học 2017 – 2018, nhiều trường học của huyện Mộc Châu (Sơn La) đã đưa loại hình múa dân gian này vào dạy cho học sinh. Tiêu biểu như Trường Mầm non Đông Sang, xòe Thái đã trở thành hoạt động tập thể mở đầu cho ngày học tập của cô và trò. Mỗi hôm, các em lại múa một điệu xòe khác nhau như: Xòe vòng, xòe đơn và múa xòe đôi, xòe vòng tròn vỗ tay…
Theo cô Lê Thị Thu Hằng – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đông Sang, đội ngũ giáo viên của trường không chỉ tích cực tìm tòi nghiên cứu, tích lũy kiến thức bộ môn nghệ thuật này mà còn chịu khó vào tận các bản tìm nghệ nhân để học hỏi mang các điệu múa về dạy cho các em.
Nhà trường cũng chủ động mời các nghệ nhân trên địa bàn đến dạy xòe cho giáo viên và học sinh. Nhờ vậy, không chỉ thành thục các điệu xòe truyền thống các bé còn được dạy nhiều điệu xòe mới.
Nghệ nhân Hoàng Thị Sư, Bản Áng 3, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu nhận xét: “Hoạt động này không những giúp trẻ em rèn luyện thể chất, phát triển toàn diện mà còn góp phần truyền thụ những giá trị văn hóa đặc sắc của người Thái đến thế hệ trẻ”.
Leave a Comment